"Cần Thơ có bến Ninh Kiều
Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân"...
Bến Ninh Kiều nay được gọi là Công viên Ninh Kiều là một bến nước và là địa danh du lịch, văn hóa của thành phố Cần Thơ hình thành từ thế kỷ 19. Bến Ninh Kiều tọa lạc ở bờ phải sông Hậu, nằm giữa ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ tiếp giáp với đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, quận Ninh Kiều thuộc thành phố Cần Thơ.
Bến Ninh Kiều là một địa danh du lịch có từ lâu và hấp dẫn du khách bởi phong cảnh sông nước hữu tình và vị trí thuận lợi nhìn ra dòng sông Hậu. Từ lâu bến Ninh Kiều đã trở thành biểu tượng về nét đẹp thơ mộng bên bờ sông Hậu của cả Thành phố Cần Thơ, thu hút nhiều du khách đến tham quan và đi vào thơ ca.
Địa chỉ Bến Ninh Kiều:
Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Tại thời điểm hoàn thành (2010), đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng ngày 25 tháng 9 năm 2004. Ban đầu, công trình được dự kiến hoàn thành vào ngày 14 tháng 12 năm 2008, tuy nhiên sau sự kiện Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ ngày 26 tháng 9 năm 2007, công trình phải dừng thi công để điều tra tai nạn. Vì vậy tiến độ hoàn thành bị chậm trễ hơn 1 năm. Cuối cùng, cầu cũng được khánh thành vào lúc 09h00 sáng ngày 24 tháng 4 năm 2010.
Địa chỉ Cầu Cần Thơ:
Chợ Tây Đô cách trung tâm Thành phố Cần Thơ khoảng 1km về phía tây sông Hậu, tọa lạc trong khu Hội chợ triển lãm quốc tế Cần Thơ.
Chợ Tây Đô là trung tâm buôn bán lớn của các tỉnh Nam Bộ đồng thời cũng là điểm vui chơi giải trí, du lịch hấp dẫn. Tuy mới hoạt động trong vài năm gần đây nhưng chợ đêm Tây Đô được xem là một điểm du lịch văn hóa đặc trưng, nổi bật và hấp dẫn ở Cần Thơ thu hút không chỉ người dân địa phương mà cả du khách phương xa. Chợ Tây Đô truớc đây là một chợ đầu mối chung chuyển các mặt hàng với nhiều địa phương trong và ngoài nước. Bên cạnh chức năng trao đổi hàng hoá, tại đây còn có các dịch vụ ẩm thực giải trí… Do quy mô hoạt động và tầm quan trọng đối với khu vực nên chợ Tây Đô là một trung tâm buôn bán lớn của các tỉnh Nam Bộ.
Địa chỉ Chợ đêm Tây Đô:
Nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi Cái Răng là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chợ hoạt động tấp nập từ tờ mờ sáng với nhiều loại thuyền bè lớn nhỏ. Các cửa hàng hay các ghe thuyền thường không có bảng hiệu, chợ bán sản vật gì người ta treo sản vật đó lên cây sào hoặc trên mũi thuyền. Người ta gọi cây này là "cây bẹo"
Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Những ghe bầu lớn thường chuyên thu mua trái cây để chở đi các nơi, kể cả sang Campuchia và Trung Quốc. Lại cũng có những chiếc ghe bầu chở các mặt hàng khác cung cấp cho bà con miệt vườn: xăng dầu, muối mắm, thuốc tây, bánh kẹo và nhu yếu phẩm. Ai bán gì thì treo thứ ấy lên ngọn sào cắm ở mũi thuyền, khách mua hàng từ xa trông thấy sẽ bơi xuồng đến hỏi.
Ngày nay, do nhu cầu của người đi chợ, các loại hình dịch vụ khác như: phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi… cũng ra đời. Những chiếc xuồng này sẵn sàng len lỏi khắp nơi để phục vụ khách đi chợ một cách tận tình, chu đáo. Đứng trên cầu Cái Răng nhìn xuống sông, chợ Cái Răng nhóm họp dài hơn nửa cây số, có chỗ trải ra gần hết mặt sông, trông như những mâm hoa trái khổng lồ đủ các sắc màu rực rỡ.
Địa chỉ Chợ nổi Cái Răng:
"Phong điền chợ nổi trên sông.
Bồng bềnh mặt nước chợ đông sớm chiều."
Chợ nổi Phong Điền là một chợ nổi để mua bán và trao đổi hàng hóa, một điểm tham quan hấp dẫn của sông nước miền Tây. Chợ nằm ngay ngã ba sông, nơi sông Cần Thơ phân lưu khỏi sông Hậu, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 17 km về phía Đông Nam. Chợ thường nhóm vào khoảng 4-5 giờ sáng khi mặt trời vừa chớm mọc và đến 7-8 giờ là lúc mặt trời lên cao thì chợ cũng tan dần.
Khác với chợ nổi Cái Răng chỉ buôn bán nông sản là chủ yếu, chợ nổi Phong Điền phong phú hơn. Trong chợ có các ghe hàng bán những vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất như: xuồng, ghe, lá lợp nhà, dao, cuốc, rựa; các dụng cụ đánh bắt thủy sản như: chài, lưới, lờ, lọp...; các sản phẩm của nghề đan đát như: thúng, rổ, nong, nia, sàng, sịa, cần xé... và các loại hàng bách hóa tổng hợp trong và ngoài nước. Ngoài ra, chợ còn bán cả thức ăn thứ thức ăn: hột vịt lộn, bún nước lèo, bún thịt nướng, cháo lòng, gỏi vịt, hủ tiếu, cà phê...
Ngoài ra, còn có hàng chục tàu đò, vỏ lãi đậu ở bến sông, sẵn sàng đưa du khách tham quan chợ nổi. Chủ tàu đò thường là người địa phương nên có thể kiêm luôn vai trò thuyết minh, hướng dẫn khách. Sau khi tham quan, mua sắm ở chợ nổi, du khách có thể xuôi theo rạch Trà Niền đến thăm mộ Cử nhân Phan Văn Trị, hoặc về thăm thôn xóm, vườn cây ăn trái, hòa cùng cuộc sống bình dị nhưng ấm nồng của nông dân ở các xã Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Tân Thới, Trường Lạc... là vùng kinh tế vườn nổi tiếng từ xưa đến nay.
Địa chỉ Chợ nổi Phong Điền:
Chùa Nam Nhã còn có tên gọi khác là Chùa Minh Sư. Chùa nằm sát khu dân cư phía Bắc cách sông Hậu khoảng 200m, trước mặt là rạch Bình Thủy và Đình Thần Long Tuyền (di tích kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng). Phía Nam là đường Lê Hồng Phong.
Lịch Sử: Năm 1890, Nguyễn Giác Nguyên (học trò của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa) đã cho lập một tiệm thuốc Bắc lấy tên là Nam Nhã Đường tại vàm sông Bình Thủy. Theo lời kể, thì đây không chỉ là nơi mua bán thuốc mà còn là nơi liên lạc và tập hợp những người yêu nước, để gầy dựng phong trào chống Pháp.
Năm 1895, Nguyễn Giác Nguyên dẹp tiệm thuốc và lập một ngôi chùa 3 căn đơn sơ mang tên Nam Nhã Đường để truyền bá đạo Minh Sư và xây dựng cơ sở hoạt động. Bên cạnh chùa 1 trại cưa nhỏ được hình thành.
Địa chỉ Chùa Nam Nhã:
Chùa Ông nổi bật giữa dãy phố Hai Bà Trưng với kiến trúc, màu sắc rực rỡ đặc trưng của dân tộc Hoa. Chùa được trang trí bằng những hình nhân bằng sành sứ tái hiện những điển tích, truyền thuyết Trung Hoa như Bát Tiên quá hải, chuyện Tam Quốc Chí... trên bờ nóc và hai bên cổng tam quan. Những chiếc lồng đèn được treo hai bên cửa. Hai cột đá chính của cổng tam quan được trang trí thêm đôi lân; mái ngói âm dương với các gờ bó ngói ống men xanh thẫm; bờ nóc trang trí những hình lưỡng long chầu nguyệt, cá hóa rồng, phụng hoàng... bằng gốm sứ đủ màu. Hai đầu đao còn có tượng người cầm mặt trăng mặt trời tượng trưng cho tư duy “nhị nguyên” của triết học phương Đông.
Địa chỉ Chùa Ông:
Đến Cần Thơ, ngoài tận hưởng đặc sản nổi tiếng mang đậm hương vị quê nhà, bạn đừng quên một nét đẹp văn hoá truyền thống ít nơi nào có được: Đó là đi Du Thuyền nghe ca nhạc tài tử.
Khi “Tây đô” lên đèn, thì Du Thuyền cũng tách bến Ninh Kiều, lướt sóng đưa du khách ra dòng sông Hậu hứng mát, giải trí và thưởng thức chương trình đờn ca tài tử trên thuyền.
Hiện tại đang có hai du thuyền là Du Thuyền Ninh Kiều và Du Thuyền Cần Thơ phục vụ Du Khách. Với thiết kế 3 tầng, rộng rãi và sang trọng, có sức chứa 600 khách. Nhà Hàng Du Thuyền phục vụ rất nhiều món ăn , thức uống đa dạng đậm nét quê hương miền Tây.Từ trên du thuyền bạn có thể ngắm nhìn vẻ đẹp lộng lẫy của cầu Cần Thơ - cây cầu lớn và dài nhất Việt Nam, dùng các món đặc sản Cần Thơ và nghe ca nhạc tài tử.
Thời gian phục vụ của Du Thuyền từ 7h20PM - 9h00PM. Nhưng nếu Du Khách đến trể vẫn có thể dùng ghe nhỏ đưa ra Du Thuyền. Du thuyền chỉ phục vụ món ăn và nước uống, không thu phí lên Du Thuyền, Du Khách vui lòng đặt chổ trước.
Địa chỉ Du thuyền bến Ninh Kiều:
Ngôi nhà được bày trí theo phong cách đặc trưng Nam bộ. Bàn thờ uy nghi ngay gian giữa, khánh thờ được sơn son thếp vàng, giường thờ, tủ chè, sạp gụ, trường kỷ đều cẩn ốc xà cừ. Du khách sẽ tìm thấy ở đây sự bài trí rất hài hòa xen lẫn bộ bàn ghế Trung Quốc, bộ xa lông khảm trai kiểu Pháp đời Louis XIV, cặp đèn treo thế kỷ XIX, lavabô, cùng bốn trụ đèn dầu đặt ở bốn góc nhà cao hơn 3 mét của Pháp. Ngôi nhà còn mang dấu ấn rất lạ, từ gạch bông lót nền, hàng rào sắt, bộ đèn chùm pha lê tới bức tranh treo tường và đặc biệt là chiếc bồn rửa tay bằng men sứ trắng, hoa xanh đặt trên bục gỗ độc đáo… đều là hàng Pháp.
Nhà được chia làm ba phần: nhà trước, nhà giữa, nhà sau. Ngăn cách giữa nhà trước và nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo tác bằng gỗ, chạm khắc tỉ mỉ bởi các nghệ nhân Việt tài hoa với các đồ án, quy ước quen thuộc trong kiến trúc cổ cũng như gần gũi với đời sống của người việt Nam ở Nam bộ: mai, lan, cúc, trúc, sen, điểu, tùng lộc, dơi, chim, công, tôm, cua, nho…
Kiến trúc ngôi nhà: phòng cách bày trí theo phong cách Tây Âu nhưng nơi trang trọng nhất là gian thờ theo Đông phương. Điều này cho thấy sự giao tiếp văn hóa Đông – Tây một cách hài hòa, chọn lọc thể hiện thị hiếu thẩm mỹ tinh tường của chủ nhân: tiếp thu cái mới nhưng vẫn giữ cốt cách dân tộc, làm hco bộ mặt văn hóa ở vùng đất mới này ngày càng phong phú và đa dạng.
Địa chỉ Nhà cổ Bình Thủy:
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được khánh thành ngày 17/5/2014, tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Đây là ngôi chùa rộng nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam do Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đề xuất xây dựng và chính Đại tướng cũng là trưởng ban vận động đóng góp xây dựng Thiền viện.
Chánh điện lợp ngói tám mái theo theo phong cách nhà Trần. Tổ điện lợp ngói bốn mái theo phong cách nhà Lý. Lầu trống và Gác chuông (đại hồng chung nặng 1,5 tấn) được làm theo kiểu tháp chuông chùa Keo ở tỉnh Thái Bình. Đáng chú ý, phần gỗ trong 4 hạng mục này đều là gỗ lim được nhập từ Nam Phi (tổng cộng khoảng 1.000 khối)
Bên trong chánh điện, ở giữa là tượng Phật Thích Ca bằng đồng nặng 3, 5 tấn, tạc ở tư thế ngồi và tay cầm cành hoa (niêm hoa vi tiếu); hai bên là tượng Bồ tát Phổ Hiền và Bồ tát Văn Thù. Bên trong Tổ điện là tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Trúc Lâm Tam Tổ. Ngoài tượng Phật Thích Ca là được đúc bằng đồng, các tượng thờ khác ở đây đều được bằng tạc bằng gỗ du sam đá vôi có tuổi thọ khoảng 800 năm
Ngoài ra, trong khuôn viên còn có các hạng mục khác như: Quan Âm điện, Di Lặc điện, chùa Một Cột, Giảng đường, Khách đường, Trai đường, Thư viện, phòng Đông y Nam dược, v.v...
Địa chỉ Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam:
Về Cần Thơ, hẳn ai cũng nghe nhắc tới vườn cò Bằng Lăng, một trong những sân chim lớn nhất nơi miệt vườn chín dòng sông. Đây đang trở thành điểm đến hấp dẫn, độc đáo của tour du lịch sinh thái miệt vườn.Vườn cò Bằng Lăng thuộc huyện Thốt Nốt tỉnh Cần Thơ. Từ quốc lộ 9 rẽ vào tầm hơn 1km, băng qua chiếc cầu nhỏ rồi men theo đường làng, bạn đã thấy thấp thoáng vườn cò Bằng Lăng rộng trên 2ha hiện ra trước mắt.
Vườn cò Bằng Lăng có đủ các loại cò, thuộc đủ chủng loại khác nhau. Để có thể ngắm những cảnh đẹp khó quên, bạn có thể tới lúc 6-7h để xem từng đàn cò trắng tỏa đi kiếm ăn, hoặc là đến lúc 17h để đón chúng bay về. Trong ráng chiều đỏ hồng, từng đàn cò nối đuôi nhau bay về, cánh chao nghiêng theo chiều gió, rồi rối rít gọi nhau.
Địa chỉ Vườn Cò Bằng Lăng:
Làng Du Lịch Mỹ Khánh thuộc huyện Phong Điền – TP.Cần Thơ là điểm đến hấp dẫn và là điểm du lịch tiêu biểu ở Đồng bằng sông Cửu Long, nằm cách trung tâm TP.Cần Thơ 10km, trên tuyến Lộ Vòng Cung lịch sử và ở giữa hai chợ nổi Cái Răng và Phong Điền, là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa sông nước miệt vườn với nhiều chủng loại trái cây đặc sản, bốn mùa trĩu quả và nhiều chương trình ẩm thực phong phú, đậm chất Nam bộ và nhiều nhà hàng có số ghế ngồi phù hợp nhu cầu của khách,hội trường 350 chỗ ngồi với đầy đũ trang thiết bị, có đội tàu và du thuyền chuyên phục vụ tham quan chợ nổi,ăn uống trên tàu.
Đến với Làng Du Lịch Mỹ Khánh, quý khách thỏa sức khám phá, tìm hiểu về đời sống cư dân miệt vườn như: tham quan Nhà cổ Nam bộ , thưởng thức chương trình văn nghệ “Đờn ca tài tử”, “Một ngày làm Điền Chủ” với bữa cơm điền chủ, “Một ngày làm nông dân”, “Tát mương bắt cá…”, tham quan Làng nghề văn hóa truyền thống, vườn cây ăn trái, các dịch vụ tại chỗ như đi xe ngựa, bơi thuyền, Taxi điện, đua heo, đua chó, xiếc khỉ, câu cá sấu…và nhiều chương trình khác theo yêu cầu của quý khách.
Địa chỉ Vườn du lịch Mỹ Khánh: