Đền thờ Nàng Han (Linh Sơn - Thủy Từ)
Ở Quỳnh Nhai (Sơn La) có hai ngôi đền thiêng từ thế kỷ 17 của bà con dân tộc thiểu số là đền Linh Sơn Thủy Từ và Nàng Han đã được phục dựng gần nguyên gốc sau khi đền chính ngập dưới lòng hồ thủy điện Sơn La.
Truyền thuyết kể lại rằng: Nàng là con gái duy nhất của chúa đất người Khơ Mú ở Chiềng Phung (Quỳnh Nhai ngày nay). Nàng có tài kiếm, cung vô địch. Nàng xin cha được giả trai và luyện tập cùng quân lính. Cha nàng thuận ý và đặt tên con trai cho nàng là Khum Chương.
Khi giặc phương Bắc tràn sang xâm lược, chúa đất chọn chủ tướng cầm quân ra trận. Trong cuộc thỉ đấu quyết liệt Khum Chương đã thắng và được phong làm Chủ tướng và một người đứng sau làm Phó tướng là Khum Lụm. Khum Chương cùng Phó tướng dẫn quân ngược sông Đà, sông Nậm Na (thuộc Lai Châu ngày nay) đánh đuổi giặc phương Bắc qua Chiềng Sa (xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đến Si Xoong Pa Na (Mường Là – Trung Quốc) rồi quay về.
Về nhà đúng 30 Tết, nàng làm lễ cúng áp Mố Chiêng – Tắm gội 30 Tết. Tắm gội xong thì lại nghe tin giặc giữ phương Bắc sang cướp phá ở Mường Lò (Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái). Nàng lại mặc giáp bào, trở thành Khum Chương cùng Phó tướng Khum Lụm cầm quân xuôi sông Đà vào Bắc Yên, vượt núi vào Phù Yên tiến vào Mường Lò đánh đuổi quân giặc chạy tan tác.
Khum Chương cùng quân lính tiến quân khải hoàn trở về, đến Mường Pùa (xã Tường Phù ngày nay) cho quân sĩ nghỉ lại. Một buổi chiều Khum Chương và phó tướng Khum Lụm cưỡi ngựa đi chơi, qua khe suối có nước trong vắt, Khum Chương cúi xuống đưa tay vục nước uống; có ngờ Khum Lụm nhìn thấy vú nàng. Biết nàng là con gái giả trai, Khum Lụm uất ức phải làm phó cho một nữ nhi nên hô lính đuổi giết Khum Chương.
Khum Chương quay lại rút kiếm chém chết Khum Lụm và thốc ngựa chạy vào rừng sâu. Thấy quân lính hỗn loạn, Khum Chương dừng ngựa ngửa mặt kêu trời. Trời thương nên thả nôi mây xuống đón hồn nàng lên trời và cho dội một trận mưa phôn chăng (bây giờ gọi là mưa axít) bỗng xác Khum Chương và quân lính đã biến thành đá.
Sau khi Khum Chương chết, Tạo Mường và dân bản đã trả lại tên con gái cho nàng là Nàng Han. Nhớ công ơn nàng đánh đuổi giặc cứu Mường nên người dân cùng Tạo Mường đã làm cho Nàng một cỗ quan tài quý, đặt hình nhân, xếp mộ đá giả cho Nàng và làm miếu thờ cúng hàng năm vào ngày rằm tháng 3 (âm lịch).