Bia Lê Lợi nằm giữa ngã ba sông nơi giao nhau của dòng Nậm Na và con sông Ðà hùng vĩ tại xã Lê Lợi. Năm 1981, Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) ra quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Vào đầu thế kỷ XV tại vùng đất này tù trưởng châu Ninh Viễn (Lai Châu ngày nay) là Ðèo Cát Hãn đã hai lần làm phản câu kết với giặc Minh âm mưu chia cắt miền đất phía Tây (có Lai Châu) và lệ thuộc vào nhà Minh. Khi đó nhà Lê có chính sách khoan hồng và mềm dẻo nhưng Cát Hãn đã bất chấp và còn tăng cường đánh chiếm mở rộng xuống tận Mường Muổi (thuộc tỉnh Sơn La ngày nay) gây bao đau thương và tội ác cho người dân Tây Bắc. Sau khi cùng với quân dân cả nước đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Minh (1428) và sau đó năm 1431 Lê Lợi đã cầm quân dọc sông Ðà lên dẹp yên tù trưởng Cát Hãn làm phản và chấm dứt sự ảnh hưởng của nhà Minh, thống nhất bờ cõi đất nước. Sau khi thắng trận (tháng 1.1432) Lê Lợi đã khắc bút tích trên bia đá (bia Lê Lợi) nhằm răn đe những kẻ làm phản nơi phên giậu của Tổ quốc, khẳng định chủ quyền và thống nhất quốc gia lúc bấy giờ.
Khi công trình thủy điện Sơn La khởi công Bia Lê Lợi đã được di dời cùng với việc xây mới đền thờ nhà vua tại vị trí cách bia cũ 500m nhưng cao hơn 150m, thuộc địa phận xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ.